Đứng trước bối cảnh đẩy mạnh toàn cầu hoá, khoa học kỹ thuật và hội nhập, nền kiến trúc – nội thất Việt Nam trong những năm gần đây có những bước tiến rõ rệt. Điều này phù hợp với xu hướng chung của toàn thế giới và mang lại nhiều lợi ích song cũng tồn tại bất cập. Một trong những vấn đề dễ thấy nhất là việc gây ra tình trạng “khủng hoảng” thị hiếu thẩm mĩ trong những công trình nhà ở thấp tầng như nhà phố, biệt thự, căn hộ chung cư cao tầng tại các đô thị lớn đang phát triển của nước ta. Trong bài viết này, tác giả tiếp cận mối quan hệ giữa thị hiếu thẩm mỹ và kiến trúc-nội thất, khái quát bức tranh tổng thể nhà ở đô thị hiện nay, lý giải nguyên nhân thông qua đó nhấn mạnh vai trò của các KTS và nhà thiết kế nội thất.
Mối quan hệ thị hiếu và Kiến trúc – Nội thất
Theo cách hiểu thông thường trong đời sống, thị hiếu hay thị hiếu thẩm mĩ thường được dùng để chỉ năng lực nhận thức của con người trước cái đẹp hoặc cũng được dùng trong những hoàn cảnh có ý bày tỏ niềm ham thích, hứng thú của chúng ta khi đánh giá, tiếp nhận các vấn đề của nghệ thuật và đời sống. Thị hiếu hình thành và chịu tác động bởi thế giới khách quan nhưng đó cũng là mối quan hệ hai chiều khi chính thị hiếu có thể tác động ngược lại dẫn đến những thay đổi của xã hội.
Kiến trúc-nội thất là một chủ thể khách quan trong đời sống xã hội và cũng là một đối tượng nghệ thuật. Bởi vậy, trong mối tương quan mĩ học, giữa kiến trúc – nội thất và thị hiếu cũng tồn tại mối quan hệ hai chiều. Kiến trúc-nội thất không chỉ tác động vào nhận thức của con người, phản ánh năng lực, thị hiếu thẩm mĩ của con người mà còn chịu tác động ngược lại bởi thị hiếu thẩm mĩ. Sự tác động lẫn nhau đó tạo nên một vòng tuần hoàn thúc đẩy phát triển đời sống xã hội nói chung và kiến trúc-nội thất nói riêng.
Thị hiếu trong Kiến trúc trong đô thị hiện nay
Trên thực tế, nhà ở đô thị đang ngày càng được chú trọng hơn, KTS – nhà thiết kế bước đầu phát huy được vai trò của mình và đạt được những thành tựu nhất định trong việc nâng cao thị hiếu thẩm mĩ kiến trúc – nội thất nhà ở đô thị thông qua những đúc kết về mặt lý luận và cả công trình thực tế. Tuy nhiên, nhiều công trình dù có thiết kế hay tự phát vẫn tồn tại thực trạng hoặc cường điệu xa hoa hoặc đơn điệu và hoàn toàn thiếu đi cá tính cần thiết của không gian nhà ở gia đình.
Cần phải thận trọng và thẳng thắn nhìn trực tiếp vào những nguyên nhân của vấn đề. Tại sao kiến trúc – nội thất nhà ở đô thị lại đối mặt với tình trạng trên? Đầu tiên chúng ta cần nhắc đến văn hoá “vay mượn” từ phương Tây và một số đất nước phát triển như Hàn, Nhật tràn vào nước ta một cách ồ ạt qua các kênh truyền thông, giải trí. Một bộ phận giới trẻ, là lực lượng lao động chủ chốt và chiếm phần đông trong số dân cư tại các đô thị hiện đại nảy sinh tư tưởng “sính ngoại”, mơ ước về một đời sống “như Tây” len lỏi vào nội thất các công trình nhà ở đô thị.
Và mỗi phong cách kiến trúc – nội thất được hình thành, phát triển trong những bối cảnh, điều kiện cụ thể tạo nên đặc trưng của riêng chúng và sẽ ngay lập tức bộc lộ khuyết điểm nếu đưa vào ứng dụng ở những không gian chưa thật sự phù hợp. Mỗi một dân tộc có một nền văn hoá, lối sống, phong tục tập quán riêng biệt, chạy theo thị hiếu không phù hợp với văn hoá sống, chỉ sao chép hình thức bên ngoài mà không quan tâm đến đời sống bên trong thì nhà ở đô thị chỉ là lớp vỏ bọc “vay mượn” mà thôi.
Sự phát triển của hình thái xã hội đô thị hiện đại với nguy cơ hình thành những thị hiếu kiến trúc – nội thất nêu trên, dẫn đến sự xuống cấp của diện mạo đô thị và thẩm mỹ kiến trúc nói chung, dù chúng ta đang trong tiến trình phát triển theo chiều rộng nhưng lại thiếu đi chiều sâu.
Trong một tầm nhìn lâu dài, KTS, nhà thiết kế với vai trò tiên phong trước một bối cảnh nội thất thiếu đi bản sắc riêng như hiện nay cùng chung tay bằng nhiều cách định hướng thị hiếu thẩm mĩ kiến trúc – nội thất đô thị. Việc trước tiên nên làm là tỏ thái độ tôn trọng với thị hiếu của người dân, của khách hàng. Bên cạnh đó, cần cẩn trọng, nghiêm túc định hướng trên nền tảng chuyên môn đã được nghiên cứu, học tập; ngoài việc làm nghề thực tiễn cần đẩy mạnh lý luận, tham gia hoặc tổ chức những hoạt động chuyên môn lan tỏa thị hiếu thẩm mĩ tích cực; phát động các cuộc thi thiết kế, những buổi trò chuyện học thuật, truyền thông trên nhiều phương tiện phù hợp và tiếp cận đúng đối tượng, phát triển các hội nghề nghiệp trong bổ trợ nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển chung có định hướng của nội thất Việt Nam.
Lời kết
Cảm ơn bạn đã theo dõi và lắng nge câu chuyện của DavidViet.
(Hình anh, Nội dung | Sưu tầm/ …)
_________________________________
Address: 306 Thái Thị Bôi, Đà Nẵng
Phone: 02366.272.737- 0902.817.116 ( A. Châu )
Contact: kientrucdavidviet@gmail.com
Website: https://davidviet.vn/