L
o
a
d
i
n
g
.
.
.

ĐỒ NỘI THẤT GIÚP “HOUSE” THÀNH “HOME”

15.12.2021

Một ngôi nhà xây xong dù hoành tráng đến đâu vẫn chỉ mới xong phần xây cất chứ chưa thể gọi là hoàn thiện nếu thiếu phần sắp xếp, chọn lọc, điều chỉnh. Để một House – ngôi nhà thuần túy vật chất – trở thành một Home – mái ấm an vui – thì luôn cần lưu tâm vấn đề cộng hưởng giữa yếu tố môi sinh tự nhiên với yếu tố nhân văn của gia đình và cá nhân.

Ngày càng nhiều gia chủ trẻ tuổi và thành đạt chọn không gian sống theo quan niệm hiện đại, đề cao tiện nghi cao cấp, thiết bị công nghệ mới độc lạ… mà thiếu sự điều tiết đúng mức thì có thể tạo ra lệch lạc, khiến cho ngôi nhà chỉ là nơi tập hợp hệ thống vật chất, mà thiếu hẳn quá trình tương tác mang tính xã hội – nhân văn giữa con người với nhau. Các nước đã phát triển hiện nay đều giảm thiểu mang công việc về nhà, đề cao khoảng không gian và thời gian gắn kết với thiên nhiên, tránh tình trạng “ngồi bên nhau cầm điện thoại thật lâu”.

Hệ thống đồ đạc nếu sắp xếp tốt sẽ giúp mọi thành viên gia đình vừa có không gian riêng tiện nghi đồng thời vẫn được khoảng sinh hoạt chung để chia sẻ, quan tâm nhau nhiều hơn. Ví dụ một căn phòng để nghe nhạc, đọc sách hoặc chơi nhạc cụ, hát với nhau… sẽ tốt hơn là chỉ có chiếc ti vi thuần túy mà khi không thống nhất được chương trình giải trí thì gia đình dễ phân tán theo kiểu “mạnh ai nấy xem”, rút vào góc riêng của mình hoặc… sắm ti vi riêng để coi cho đã!

Một số gia đình Việt còn có thói quen hay tập trung mua sắm, trang hoàng cho không gian chung theo tâm lý phô trương, nhưng chỉ sử dụng khi có khách, dịp lễ tết ở những chỗ cần “khoe”, còn thường ngày thì sinh hoạt khá co cụm, bề bộn, thậm chí tạm bợ. Kiểu sắm đồ này lâu ngày thành nếp quen, môi trường sống về thực chất lại bị thiếu chăm chút. Bạn hãy đọc Câu chuyện về “tủ sách của người Do Thái và tủ rượu của người Việt” để thấy rằng sự đầu tư vào “chiếc tủ” nào – văn hóa tinh thần bền vững hay thuần túy vật chất, khoe của nhất thời – sẽ ảnh hưởng đến quan niệm sống, ý chí phấn đấu và cả sự phát triển của một thế hệ.

Mặt khác, các thế hệ lớn tuổi hay chuộng đồ cổ, gỗ quý, tủ trưng bày… trong khi thế hệ trẻ hơn thì lại ưa vật dụng công nghệ hiện đại, cũng gây ra các xung đột ngấm ngầm trong sinh hoạt, lâu ngày thành kiểu gia đình không thể “ngồi lại bên nhau” chỉ vì không thích đồ nội thất hoặc cảm thấy đồ đó có phong cách không hợp với mình.

Tất cả các bất cập nêu trên đều có thể khắc phục được nếu chủ động tính toán từ đầu, đặt ra các tình huống cụ thể để giải quyết, làm nhà cho chính mình chứ không bắt chước dạng thức của người khác. Ví dụ, nhà phố có nhu cầu buôn bán (hoặc cho thuê kinh doanh) thì nên phân bố ngay từ đầu, nên đưa bếp ăn và phòng khách lên lầu để dành tầng trệt cho buôn bán và xe cộ. Hay ở căn hộ chung cư thì không thể tùy tiện ” trồng cây gì nuôi con gì” như ở nhà riêng dưới trệt có sân vườn được. Cách thức bố trí không gian đúng đắn từ ban đầu sẽ dẫn đến việc chọn lựa, mua sắm đồ nội thất có trọng tâm, không dư thừa, đi vào thực chất sử dụng, và gia tăng sự kết nối trong gia đình nhiều hơn.

Lời kết

Cảm ơn bạn đã theo dõi và lắng nge câu chuyện của DavidViet.

_________________________________

Address: 306 Thái Thị Bôi, Đà Nẵng

Phone: 02366.272.737- 0902.817.116 ( A. Châu )

Contact: kientrucdavidviet@gmail.com

Website: https://davidviet.vn/

Bài viết liên quan